Ba khẩu thần công “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” tại Bảo tàng Hà Tĩnh

Ba khẩu thần công “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” tại Bảo tàng Hà Tĩnh

 

 
Năm 2003, trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển gần đảo Mắt, cách cửa Hội 35 km về phía Đông, ngư dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện và trục vớt được ba khẩu súng thần công nằm trong một con tàu cổ bị đắm. Các khẩu súng này đã được đưa về Bảo tàng Hà Tĩnh và hiện đang được bảo quản tại hành lang tầng 1 của Bảo tàng. 

Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, ba khẩu thần công này được một hiệp thợ đúc cùng một năm, mang cùng một tên (“Bảo quốc an dân Đại tướng quân”), có cùng kích thước, hình dáng, hoa văn trang trí, chỉ phần minh văn (chữ Hán) ghi ở mỗi thân súng có nội dung khác nhau…

Cả ba khẩu thần công đều có màu nâu xám, hình trụ tròn, thon nhỏ dần về phía họng súng. Nòng súng có đường kính 12cm. Đáy nòng là nơi đặt đạn tỳ vào tấm chèn có độ hở nòng. Tiếp đó là khoang để chứa thuốc súng, có lỗ thông hơi ra bên ngoài. Súng có hai vòng đai tăng cường, xung quanh có các hoa văn trang trí. Ở họng súng, mép miệng có các đường gân nổi. Giữa súng có trục súng và đáy vành, có tác dụng cố định súng trên giá đỡ, bên trên có quai súng, được tạo hình đầu rồng. Sau cùng là khóa nòng, cổ và núm súng. Phần khóa nòng được tạo đường gờ hình tròn đồng tâm.

Đây là ba khẩu thần công có đồ án trang trí hoa văn dày đặc, với các đề tài truyền thống như cúc dây, rồng chầu mặt trăng, đầu rồng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm… Trong đó, đề tài cúc dây được trang trí nhiều nhất, tập trung ở trên bề mặt súng (từ đầu súng, thân súng đến đuôi súng). Các hoa cúc dây được lồng vào nhau đối xứng và bao quanh súng. Rồng chầu mặt trăng bao quanh bài minh văn. Rồng ở đây có bốn móng sắc nhọn, đuôi xoắn cong, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Phía trên bài minh văn trang trí hình lá đề. Trên hình lá đề có trang trí cúc dây và chấm tròn.

Trước khi được trục vớt dưới biển lên, hoa văn và chữ Hán trên ba khẩu thần công này đều được nạm bạc cầu kỳ và tinh tế. Nhưng sau khi được trục vớt lên, hai khẩu đã bị người dân bóc hết phần nạm bạc, khẩu còn lại vẫn còn một số hoa văn (ở phần đầu, thân và phần chữ Hán) được nạm bạc.

Khẩu thần công thứ nhất được mệnh danh là “Bảo quốc an dân Đại tướng quân tam vị chi nhất” - “Vị thứ nhất trong ba vị Bảo quốc an dân Đại tướng quân”. Do bị ngâm nước biển lâu năm nên bề mặt thân súng đã bị rỗ nhiều chỗ, phần bạc nạm trên các hoa văn và chữ Hán đã bị bóc hết. Trên thân súng có bài minh với nội dung chúc mừng vua Minh Mệnh lên ngôi trị vì đất nước, sau đó là xua tan đi những điều không tốt lành:

“Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820)

Gom được vạn cân đồng

Sai đúc súng thần công

Để đời sau biết rằng

Chúc mừng vua lên ngôi

Xua tan những điều xấu

Truyền lại cho con cháu

Để đất trời bình yên”.

Khẩu thần công thứ hai được mệnh danh là “Bảo quốc an dân Đại tướng quân tam vị chi nhị” -  “Vị thứ hai trong ba vị Bảo quốc an dân Đại tướng quân”. Tương tự khẩu thứ nhất, bề mặt của khẩu này cũng bị rỗ nhiều. Bài minh trên thân súng đã bị mờ, hiện chưa rõ hết nội dung, một số hoa văn trên thân súng còn giữ nguyên được phần nạm bạc. Từ năm 2006 đến năm 2011, Bảo tàng Hà Tĩnh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nạm bạc lại phần hoa văn đã bị bóc mất bạc theo đúng quy trình kỹ thuật.

Khẩu thần công thứ ba được mệnh danh là “Bảo quốc an dân Đại tướng quân tam vị chi tam” - “Vị thứ ba trong ba vị Bảo quốc an dân Đại tướng quân”. Cũng giống như hai khẩu kể trên, bề mặt của khẩu này đã bị rỗ nhiều và phần nạm bạc trên thân súng đã bị bóc hết. Phần minh văn trên thân súng đã khá mờ, một chữ gần như không đọc được và có nội dung như sau:

“Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820)

Gom được vạn cân đồng

Sai đúc súng thần công

Để đời sau biết rằng

Ngăn ngừa sự khinh lờn

Lấy chính nghĩa thắng tà

Văn võ đều dụng được

Chúc mừng vua muôn năm”.

Bề mặt phía sau của cả ba súng đều ghi nội dung (bằng chữ Hán): “Minh Mệnh nhị niên tuế thứ Tân Tị cát nguyệt nhật chú”, tức là cả ba súng đều được đúc vào ngày lành tháng tốt năm Tân Tị, niên hiệu vua Minh Mệnh năm thứ 2 (1821). Phía dưới thân cả ba khẩu đều có dòng chữ Hán ghi tên người đúc: “Vụ Khố thần Trần Đăng Long phụng chú” - Trần Đăng Long ở Vụ Khố vâng mệnh đúc.

Có thể thấy, ba khẩu thần công là hiện vật độc bản, mang cùng tên, cùng chất liệu, đúc cùng một năm (cùng một triều vua), cùng kích thước, hình dáng, trọng lượng, được phát hiện, sưu tầm cùng một thời điển. Đây cũng là những khẩu thần công có kích thước vào loại lớn, có nhiều đồ án hoa văn trang trí bằng phương pháp đúc nổi công phu, tinh tế. Các đồ án hoa văn trang trí trên súng trước đây đều được nạm bạc cầu kỳ, đặc biệt ở phần đầu súng, thân súng và đuôi súng. Đó là những đề tài cúc dây, lá đề, rồng chầu mặt trăng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm. Đặc biệt, minh văn trên thân súng ghi rõ tên, niên đại, người đúc, kích thước, trọng lượng; múc đích, ý nghĩa của việc đúc súng.

Minh Mệnh là vị vua thứ hai của nhà Nguyễn, người có nhiều cải cách sâu rộng về hành chính, bộ máy nhà nước, chú trọng đến phát triển quân đội. Sau một năm lên ngôi hoàng đế (1821), vua Minh Mệnh đã cho đúc ba khẩu thần công này với mục đích chúc mừng vua lên ngôi, lấy đó để ngăn ngừa sự khinh lờn, xua tan đi những điều xấu và quan trọng hơn cả là giữ bình yên cho đất nước. Theo các tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, trong thời gian trị vì của mình, vua Minh Mệnh đã cho đúc 269 khẩu thần công bằng đồng, trong đó có ba khẩu “Bảo quốc an dân Đại tướng quân” hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Hà Tĩnh.

Vì những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của hiện vật, tháng 12/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định 2599/QĐ-TTg về việc công nhận 3 khẩu súng thần công ở Bảo tàng Hà Tĩnh là “Bảo vật quốc gia”.

Ba khẩu thần công “Bảo quốc an dân Đại tướng quân” triều Nguyễn là những báu vật độc nhất vô nhị, cần phải gìn giữ, nghiên cứu và phát huy trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Tuy vậy đến nay duy nhất một khẩu được phục chế nhưng cất trong kho do Bảo tàng không có phòng trưng bày. Hai khẩu còn lại do thiếu kinh phí nên được gác tạm trên kệ gỗ ở ngoài hành lang bảo tàng bên những bức tường bong tróc, ẩm thấp.

khẩu thần công, 200 năm, đáy biển, Hà Tĩnh

Các hoa văn trang trí trên thân khẩu thần công đã được bảo quản đều được nạm bạc rất tinh xảo

sungthancong.jpg

Hai khẩu thần công nằm ngoài hành lang tầng 1 của bảo tàng

Josdar

 

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8858515
Số người đang online: 18