`Báu vật` lộ diện trong ngôi mộ cổ 2.000 năm ở Hà Nội

`Báu vật` lộ diện trong ngôi mộ cổ 2.000 năm ở Hà Nội

 

 

Ngôi mộ nhỏ có hoa văn “xương cá”, “trám lồng”. Nhưng một điều bí mật chưa được giải mã là ngôi mộ lớn có tới 40 chữ Hán cổ: bên trái là bộ “thổ”, bên phải là bộ “mộc”…

`Báu vật` lộ diện trong ngôi mộ cổ 2.000 năm ở Hà Nội

Việc phát hiện các ngôi mộ và giếng cổ dưới khu Ciputra, Hà Nội đang khiến người dân cả nước quan tâm vì những ý nghĩa lịch sử của nó. Còn các nhà khảo cổ thì rất phấn khởi khi tìm ra những hiện vật quý giá cho phép họ hiểu sâu hơn đời sống ông cha ta xưa.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam về những điều thú vị trong hai ngôi mộ và giếng cổ.

"Cuộc khai quật khẩn cấp"

Vào lúc 9h47 sáng 2/4, tôi nhận được điện thoại của TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng Ban quản lý di tích - danh thắng Hà Nội: “Anh Cường ơi! Anh thu xếp công việc và tới ngay gần cổng Ciputra sát đường lên cầu Thăng Long ấy. Họ vừa phát hiện ra mộ đấy. Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc đón anh ở đó”.

Cái bệnh nghề nghiệp nó là vậy, đã đam mê mộ cổ gần 50 năm, nên khi nghe xong tôi khoác vội tấm áo choàng và phi ngay xe máy với tốc độ… 60km/giờ lên Ciputra. Gần đến nơi tôi đã nhìn thấy một “vị Chủ tịch xã thật bảnh trai” đứng gần cổng vẫy vẫy tôi. Anh tự giới thiệu là Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch xã Đông Ngạc.

Chỉ cách cổng Ciputra về phía bắc khoảng 100 mét là thấy ngay công trường ngổn ngang đất đá, máy xúc đang đào bới của Xí nghiệp xây dựng số 1, thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Vừa lúc đó TS Nguyễn Doãn Tuân cũng lên tới hiện trường.

Anh Chiến báo cáo lại với chúng tôi đầu đuôi câu chuyện. Hoá ra từ 3h chiều hôm trước, gầu xúc của đơn vị thi công trong khi đặt hệ thống cống ngầm ở độ sâu 2 mét đã quệt phải một hàng gạch làm lộ ra ngôi mộ thứ nhất, phía trong có lớp bùn dày khoảng 35cm phủ kín nền mộ. Thấy vậy họ đình lại và gọi điện báo về xã, rồi xã cũng đã báo ngay lên huyện, và huyện đã báo cho Ban quản lý Di tích-Danh thắng Hà Nội.

Sáng sau, lúc 8h30, máy xúc định chuyển hướng cào đất tiếp ở cách chỗ cũ khoảng 1m50, thì không ngờ lại quệt phải nóc ngôi mộ thứ hai, làm vỡ một phần nóc mộ mà bên trong lộ rõ lớp bùn lấp tới gần một phần ba thành mộ.

Tôi bỗng linh cảm mộ đã lộ ra thế này thì kẻ gian dễ dòm ngó lắm. Một anh bạn làm ở công trường đứng gần đó nói: “Hôm qua nghe nói phía trong cùng của mộ có bài vị, thế mà sáng nay ra đã bị mất...”

Tôi bàn với anh Tuân, anh Chiến là ta nên khai quật ngay chiều hôm đó. Bằng điện thoại di động chúng tôi liên hệ với ông Phạm Hồng Khang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long - đơn vị chủ đầu tư, người đã tạo mọi điều kiện cho tôi 6 năm về trước khi tôi nhận trách nhiệm phụ trách cuộc khai quật mộ hợp chất Cánh đồng Đào - phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ).

Ông Khang đồng ý cho tạm dừng thi công và cấp kinh phí để chúng tôi “xung trận”. Chủ tịch Chiến yêu cầu ngay công an xã đêm đó phải trực luôn. Có lẽ trong đời làm khảo cổ của mình, chưa bao giờ lại có một quyết định khai quật khẩn cấp nhanh như vậy.

Tôi gọi điện cho Viện trưởng Viện Khảo cổ học: PGS.TS. Tống Trung Tín và Phó Viện trưởng - kiêm Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Nguyễn Giang Hải để báo cáo. Các anh đồng ý để Hội Khảo cổ học đứng ra khai quật khẩn cấp 2 ngôi mộ cổ này như đề nghị của TS Nguyễn Doãn Tuân.

Tôi gọi điện cho TS Hà Văn Cẩn đề nghị anh cùng các bạn trẻ: Nguyễn Văn Mạnh, Mai Thuỳ Linh trong Phòng nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử cùng tham gia khai quật. Tôi cũng lại gọi điện cho hoạ sĩ Võ Thanh Hưởng, hội viên Hội Khảo cổ học VN đề nghị chị sẽ chịu trách nhiệm cho các bản vẽ của cuộc khai quật.

Kể cả Nguyễn Anh Tuấn - một cán bộ trẻ Phòng nghiên cứu Môi trường - Con người cổ, đoàn khai quật sẽ có con số tròn 6 người. Chiều 2/4 tôi làm giấy phép cho Sở VHTTDL Hà Nội, đề nghị xin được khai quật khẩn cấp.

Những “báu vật” lộ diện…

Ngay chiều hôm đó, chiếc bình gốm khá to nằm nghiêng trên một đĩa gốm đã được phát hiện ở sát cửa mộ lớn. Bùn trong mộ này nhão nhoét, rất khó làm và phải thận trọng, nếu không là sẽ dẫm phải hiện vật. Tôi bàn bạc với anh em trong đoàn là cuộc khai quật phải gắng đạt được các mục đích sau:

+ Kết cấu của 2 ngôi mộ này có khác gì các ngôi mộ thời Bắc thuộc đã phát hiện ở nơi khác (Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang…?)

+ Thu thập và nghiên cứu bộ sưu tập hiện vật trong 2 mộ.

+ Niên đại của 2 ngôi mộ ra sao?

Trời đất đã ủng hộ chúng tôi. Suốt hơn nửa tháng khai quật, không hôm nào bị mưa to, hay nắng gắt. Hiện vật thì xuất lộ ngày càng nhiều. Chỉ thương mấy cán bộ công an huyện Từ Liêm và xã Đông Ngạc nằm trong nhà bạt, gió mạnh quá không mắc được màn, muỗi đốt suốt đêm, mà vẫn lo ngay ngáy “mất hiện vật của bác Cường ở trong mộ”. Cuối cùng bàn bạc với anh Chiến chủ tịch xã Đông Ngạc và cô Huyền - Phó trưởng Phòng văn hoá Huyện Từ Liêm, chúng tôi quyết định đánh dấu vị trí các hiện vật trong mộ và đưa toàn bộ số cổ vật về bảo quản tại Phòng văn hoá Huyện Từ Liêm, trong một két sắt vững chắc mới toanh do Công ty TNHH Nam Thăng Long vừa sắm cho.

Hai ngôi mộ xuất lộ dần, từng hàng gạch được làm sạch. Ngôi mộ to: dài 4,7m; rộng 2,15m và cao 1,9m. Ngôi mộ bé: dài 3,9m; rộng 1,2m và cao 0,95m. Các bạn trẻ trong đoàn đã tìm được biên mộ và phân biệt rất rõ đất cái hoàng thổ và đất lấp mộ.

Tôi chụp tới hơn trăm bức ảnh, nhưng đang loay hoay tìm chỗ đứng để chụp tổng thể từ trên cao xuống 2 ngôi mộ, thì anh Tuấn lái máy xúc bảo tôi: “Chú trèo vào gầu xúc đi, cháu sẽ cho chú lên tận…trời xanh, tha hồ mà chụp nhé”. “Ôi! Ý tưởng tuyệt vời” - Tôi đáp và nhanh chân leo tọt vào trong gầu xúc. Chiếc gầu nâng dần độ cao, tôi bấm máy lia lịa, mãi lúc sau nhìn xuống bên dưới thì thấy các bạn Tuấn, Mạnh, Linh cũng đang chĩa máy hướng vào… tôi bấm tanh tách. Có lẽ đó là bức ảnh khá độc đáo của tôi ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”!

…và những bí mật bên trong mộ cổ

Chỉ ngay mấy ngày đầu khai quật tôi đã thấy điều phân biệt của ngôi mộ cổ này với các ngôi mộ khác, chính là chạy dọc theo bên ngoài nóc mộ là hàng gạch khoá vòm mộ. Trông từ trên xuống, 2 ngôi mộ cổ như 2 con cá nằm song song với nhau theo hướng tây bắc - đông nam và đều có “dải vây cá trên lưng”. Ngôi mộ cổ to như gian nhà mà tôi được khai quật cùng nhà khảo cổ lão thành Đỗ Văn Ninh ở Quảng Ninh vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, cũng như những ngôi mộ khác ở Hải Dương... chưa bao giờ thấy “hàng gạch khoá mộ” như 2 ngôi mộ ở đây.

Trong ngôi mộ lớn, xen giữa những rìa bên của các viên gạch là mẫu trang trí hoa văn “đồng tiền” và hoa văn “trám lồng”. Còn ngôi mộ nhỏ hầu hết là có trang trí hoa văn “xương cá” một số nhỏ là “trám lồng”. Nhưng một điều bí mật chưa được giải mã là trong ngôi mộ lớn có tới 40 chữ Hán cổ: bên trái là bộ “thổ”, bên phải là bộ “mộc”. Tôi đã tìm gặp những “cây đa, cây đề” trong ngành Hán học (chứ không phải là Hán nôm như có báo đã đăng hôm 20/4) để hỏi về chữ cổ này, nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời. Giá 2 bộ đổi chỗ cho nhau thì chẳng cần bàn cãi, vì đó là chữ “đỗ”.

Trong ngôi mộ lớn tổng cộng tìm thấy 28 hiện vật: 16 bát, đĩa, bình gốm có men và không có men, 9 chiếc đinh sắt đã bị rỉ, 1 hạt chuỗi thuỷ tinh màu xanh (không phải một “chuỗi hạt” như có báo đã đưa tin), một phiến đá dẹt hình chữ nhật vuông vắn màu xanh nhạt, mà theo nhà thạch học Lê Thị Thu Hương thuộc loại đá phiến xanh. Một bát đồng rất mỏng đã bị vỡ nát.

Phát hiện thóc và gạo cổ

Đặc biệt, ngay sáng 6/4, ở lớp bùn đáy mộ, Nguyễn Anh Tuấn đã phát hiện ra một lớp gạo, thóc cháy. Chúng tôi báo ngay cho Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng phòng nghiên cứu Con người - Môi trường cổ Viện Khảo cổ học. Chị đã lên ngay lấy mẫu phân tích.

Hôm sau khi chỉnh lý những đồ gốm tại Phòng văn hoá huyện, chúng tôi lại phát hiện 2 bát nhỏ, khi nạo hết bùn ở lớp trên lộ dần ra những hạt gạo, thóc cháy. Ngày 10/4, Trưởng phòng Mai Hương gọi điện thông báo cho tôi giọng hồ hởi: “Rất hay Thầy ạ”. Bên chiếc kính lúp với độ phóng đại lớn chị đã chụp và đo đạc được những hạt thóc, gạo cháy này. Một số hạt thóc còn giữ được cuống và một phần vỏ trấu. Hạt thóc và gạo thuộc dạng hạt bầu đến tròn (tỉ lệ dài/rộng 1,7 - 2,5mm).

Ngôi mộ nhỏ chỉ vẻn vẹn có 5 đồ gốm, trong số đó đặc biệt có bình gốm đầu gà rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà. Có lẽ đây là hiện vật quý nhất trong lần khai quật này.

Cả 2 ngôi mộ đều không có dấu vết của gỗ quan tài và di cốt người. Theo tôi đã bị tiêu hết như phần lớn các mộ táng thời Bắc thuộc ở Việt Nam.

Tôi nhớ mãi hôm sinh viên Trường Đại học văn hoá tới thăm khu mộ có em sinh viên hỏi tôi: “Thưa Thầy! Sao quan tài và xương bị tiêu mà hạt gạo lại còn”? Một câu hỏi rất thông minh. Tôi đã giải thích cho em rằng: nước ngấm vào trong mộ qua khe nứt tạo nên một lớp bùn mỏng ở đáy mộ, chính nó đã bảo vệ cho hạt thóc, gạo cháy không bị phân huỷ.

Ngược lại quan tài và di cốt đã bị tiêu vì có một khoảng không trong mộ, đó là môi trường tốt để vi khuẩn phân huỷ chẳng những chỉ có di cốt mà cả quan tài nữa. Lẽ dĩ nhiên đinh sắt thì … “bọn đó” không “gặm” được.

Dựa vào kích thước của những viên gạch xây mộ, các đặc điểm của đồ gốm, chúng tôi cho rằng cả 2 ngôi mộ đều thuộc thời “Lục Triều” có niên đại trong khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6. Mặc dù ngôi mộ to có sớm hơn ngôi mộ nhỏ một chút".

Các chuyên gia lịch sử hàng đầu của Việt Nam đều "khen" mộ cổ

Chiều 14/4, tôi mời các nhà khảo cổ và lãnh đạo của huyện Thường Tín, xã Đông Ngạc, thôn Nhật Tảo, cũng như Lãnh đạo của các đơn vị đang thi công lên thăm 2 ngôi mộ cổ.

Từ các Phó Giáo sư, Tiến sĩ như: Tống Trung Tín, Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền, Trịnh Sinh, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Văn Hùng, Trình Năng Chung, Vũ Quốc Hiền, Lại Văn Tới, Nguyễn Kim Dung… đến các vị lãnh đạo của huyện, xã, và những em sinh viên đang học tại trường Đại học văn hoá, ai cũng khen 2 ngôi mộ thật tuyệt vời.

Mọi người đều có chung một đề nghị phải giữ lại 2 ngôi mộ cổ này. PGS.TS. Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học phát biểu: “đây là 2 ngôi mộ rất hay, hầu như chưa bị kẻ gian phá huỷ để trộm cắp hiện vật như nhiều ngôi mộ khác ở quanh vùng. Các hiện vật thu được càng làm rõ hơn những nhận thức về táng thức của thời Lục Triều, ngay sát ở ngoại vi thành Thăng Long xưa…”

Anh em trong đoàn khai quật được khen thì mừng lắm, đó là những lời động viên để anh em vượt qua mọi khó khăn với những bữa cơm hộp, hay giấc ngủ trưa ngắn ngủi mà “giường hảo hạng và riêng biệt của họ” là những ống cống ngay cạnh hố khai quật.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8882516
Số người đang online: 23