Đình Cổ Chế đứng trước nguy cơ sập đổ

Đình Cổ Chế đứng trước nguy cơ sập đổ

 

 

Đình thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) được xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa cấp Thành Phố từ năm 2004. Đây là 1 di tích có kiến trúc đẹp, độc đáo và hiếm hoi từ thời Lê Trung Hưng còn sót lại. Tuy vậy ngôi đình hơn 300 năm tuổi này đã xuống cấp trầm trọng và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Bước vào đình, du khách không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của ngôi đình, của những mảng chạm khắc như bay, như múa trên từng thân gỗ. Có những mảng chạm cực kỳ đặc biệt, hiếm có thể bắt gặp ở những ngôi đình khác có cùng niên đại như mảng chạm Nghê ổ, với nghê mẹ và 7 nghê con quấn quít. 

Mảng chạm Nghê ổ, rất hiếm khi xuất hiện tại đình làng Bắc Bộ

Bên cạnh hình tượng Nghê, ở ngôi đình này còn có hình tượng người cưỡi Nghê, người cưỡi Rồng, cưỡi Hổ… đặc sắc và độc đáo không kém. Hoạt cảnh dân gian cũng được tái hiện với hình ảnh 2 người nắm đuôi trâu kéo lại, không cho chúng chọi nhau.  

Thế nhưng, trái ngược với những hoạt cảnh vui nhộn, đầy chất dân gian trên, ngôi đình hơn 300 năm tuổi này lại đang đối diện với tình trạng xuống cấp từng ngày và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ngay từ ngoài sân đình, du khách đã nhận thấy sự xuống cấp đình qua chiếc bạt căng tạm trên nóc mái. Trông đình hệt như một công trường xây dựng. Hệ thống cột chống được các cụ neo giằng cẩn thận. Khắp đình, đâu đâu cũng thấy mối xông, các cột kèo rỗng ruột, ngói nát, rui mục. Công trình kỳ vĩ hơn 300 năm tuổi của làng nay hệt như trại thương binh, với các vết băng bó khắp cơ thể. 

Nhận thấy việc nguy hiểm đang xảy ra cho đình cổ, người dân thôn Cổ Chế đã có thông báo kêu gọi sự quyên góp của các nhà hảo tâm, với ý muốn khôi phục lại đình làng. Thế nhưng do UBND Thành phố Hà Nội chưa có quyết định đầu tư trùng tu, nên việc đành gác lại trong sự tiếc nuối, xót xa của người dân trong thôn. 

Xót xa đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc
Theo ông Phạm Văn Ấm, thủ từ đình Cổ Chế, cách đây 3 năm khi ông tiếp quản đình đã rơi vào tình trạng này. Mái đình khi đó đã sụp xuống, nhiều đoạn đứt gãy. Mỗi lần mưa gió, ông đều nơm nớp lo sập. Bản thân ông cũng đã được yêu cầu chuyển ra khỏi đình để đảm bảo an toàn. Ông Kiều Xuân Tiến, Trưởng thôn Cổ Chế cho biết thêm, ngoài các cuộc hội họp, lễ lạt, trước đây, ngôi đình còn là chỗ cho các cháu mầm non trong thôn học. Tuy nhiên, sau khi đình có dấu hiệu xuống cấp, mọi người dân trong làng đều được khuyến cáo không nên ra vào ngôi đình vì nó có thể sập bất cứ lúc nào. Các cụ cao niên trong làng, ngày ngày đi qua ngôi đình, nhìn thấy tình trạng đó đều hết sức xót xa, vì trước ngôi đình sừng sững, uy nghi, nay lại trở nên đổ nát, xập xệ đến mức không nhận ra. “Đình xuống cấp như thế nhưng chẳng ai ngó ngàng tới. Một mai mà đình sập thì thật là có lỗi với tổ tiên, với cha ông” - cụ Phạm Văn Đoàng, 86 tuổi rầu rĩ nói.

Xin nâng hạng để được “cứu”

“Tôi quá ngỡ ngàng và giật mình khi nhìn thấy những hình ảnh trong di tích” - TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học cho biết khi trực tiếp vào bên trong ngôi đình. Ông Nguyễn Hồng Kiên cho rằng, những mảng chạm khắc tinh xảo trong đình Cổ Chế là cực kỳ hiếm có, gần như không còn tìm thấy trong những ngôi đình cùng thời. Nó thể hiện phong cách nghệ thuật của thế kỷ 17 dưới thời nhà Lê, được đánh giá là đỉnh cao trên cả phương diện lịch sử và mỹ thuật. Với tình trạng này, ông cho rằng nếu chỉ dùng một vài phương án tạm thời để “cứu chữa” thì chẳng mấy mà ngôi đình sẽ lâm nguy! 

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Cương, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến cho biết, trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của đình Cổ Chế, năm 2013, ngân sách huyện đã chi 90 triệu đồng để chống sập, chống dột và mối cho ngôi đình. Phần mái ngôi đình cũng mới được lợp bằng bạt, tuy nhiên khi dỡ ra thì vẫn còn rất nhiều mối mọt. Song, với số tiền như vậy thì không thể là lấy chỗ nọ, bù chỗ kia, chẳng đáng là bao so với hiện trạng hư hỏng, xập xệ ngôi đình. Hơn nữa với thẩm quyền và chuyên môn của xã không thể xử lý được những kiến trúc phức tạp của ngôi đình. 

Tháng 2-2014, Sở VH-TT&DL, huyện Phú Xuyên và xã Phúc Tiến đã xây dựng hồ sơ gửi lên thành phố đề nghị nâng hạng cho di tích, để xin nguồn vốn trùng tu, tu bổ ngôi đình. Ông Vũ Hồng Cương cho biết thêm, từ đầu năm nay, UBND huyện Phú Xuyên cũng đã gửi tờ trình lên thành phố đề nghị cấp kinh phí tu bổ, dự kiến là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề nghị trên vẫn chưa được duyệt. Trong khi mòn mỏi chờ nâng hạng, chờ xét duyệt kinh phí từ Trung ương, thì những người dân trong làng vẫn “ăn không ngon, ngủ không yên”, chỉ lo một ngày đình sập xuống thì cũng chỉ biết than trời, chứ chẳng biết kêu ai. Mùa mưa bão đang đến gần, ngôi đình này lại thêm 1 lần nữa chịu sự mài mòn, phá hoại của thời gian. Tính mạng của ngôi đình đang nguy cấp, có lẽ chỉ còn tính bằng ngày. Hơn ai hết, người dân thôn Cổ Chế đang khắc khoải từng ngày đợi Nhà nước đồng ý cho trùng tu ngôi đình cổ, trả lại vẻ khang trang ngày nào cho di tích, gìn giữ di sản quý báu của cha ông./.

(Tổng hợp theo: anninhthudo.vn; Vov.vn)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8882347
Số người đang online: 39