Khảo cổ học trong mối liên hệ khu vực

Khảo cổ học trong mối liên hệ khu vực

 

 

Mỗi năm, có đến vài lần các nhà khảo cổ học nghiên cứu Ðông - Nam Á tập hợp nhau lần lượt ở mỗi nước để cùng tìm về cội nguồn các nền văn minh sớm trong khu vực. Mới đây hội nghị được tổ chức tại thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a). Sôi nổi và gần gũi nhau vì có nhiều mẫu số chung về văn hóa xưa.

Tham luận tại Hội nghị là các nhà khoa học đến từ In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam, Phi-li-pin, Mi-an-ma, Mỹ, Anh, Ấn Ðộ, Trung Quốc... Hội nghị tập trung vào phát hiện mới về dấu tích kiến trúc tôn giáo ở thung lũng Bu-giang, bang Kê-đa của nước chủ nhà. Di tích còn lại có thể là một dạng đền tháp, giống như tháp Cát Tiên (Lâm Ðồng) ở ta. Nơi đây được coi là địa điểm có các công trình kiến trúc tôn giáo sớm nhất Ðông - Nam Á, vào khoảng năm 110 sau Công nguyên. Có đến 97 địa điểm khảo cổ quây quần ở vùng này chứng tỏ đó là một trung tâm kinh tế- xã hội lớn. Các nhà khoa học còn tìm thấy dấu tích của các công đoạn luyện sắt, làm gạch, những viên gạch nung còn nguyên dấu chân động vật hay vết năm đầu ngón tay người làm gạch. Ðền tháp ở đây đánh dấu sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa bờ biển tây Ma-lai-xi-a và văn minh Ấn Ðộ theo con đường băng qua vịnh biển Ben-gan.

Nhiều vấn đề lịch sử khu vực hấp dẫn được quan tâm như con đường giao lưu buôn bán thời cổ giữa Ấn Ðộ và Ðông - Nam Á được chứng minh bằng hiện vật. Con đường đó từ miền Nam Ấn qua Xri Lan-ca, băng qua vịnh, qua vùng quần đảo Ðông - Nam Á, qua eo biển Ma-lắc-ca, Vịnh Thái-lan đến vùng Nam Bộ và miền trung nước ta. Nhiều nhà khoa học cho rằng đảm nhiệm con đường giao thương đó lại không phải là thương nhân  Ấn Ðộ mà lại chính là các cư dân Ðông - Nam Á, vốn là những người có kỹ thuật hàng hải tuyệt vời.

Một loạt trung tâm buôn bán và đô thị cổ xưa của Ma-lai-xi-a, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam đã hình thành nhờ con đường hàng hải này. Ðây cũng là con đường chủ yếu truyền tải đạo Hin-đu và đạo Phật vào Ðông - Nam Á, với những đền tháp, tượng đài mọc lên khá nhiều vào những thế kỷ sau Công nguyên. Các di sản đền tháp nổi tiếng, nhiều di sản được xếp hạng thế giới như ở Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, đền Ăng-co (Cam-pu-chia), đền tháp Cát Tiên, Mỹ Sơn (Việt Nam) có được cũng là nhờ sự giao lưu với thế giới Ấn Ðộ cổ xưa. Nhiều học giả cũng cho rằng giao lưu văn hóa với Ấn Ðộ đã làm phong phú hơn nền văn hóa bản địa của cư dân Ðông - Nam Á, các vị thần linh cũng mang sắc thái sáng tạo địa phương so với các vị thần ở Ấn Ðộ.

Có thể vào khoảng vài thế kỷ đầu Công nguyên, con đường hàng hải còn vươn xa hơn thế, khi mà khảo cổ học đã có bằng chứng hiện vật của thời La Mã cổ đại ở rải rác khắp miền Ðông - Nam Á, trong đó có nền văn minh Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long nước ta, nơi tìm được khá nhiều đồ trang sức và tiền đồng La Mã. Trước đó nữa, những đồ trang sức bằng mã não, hạt cườm nhiều mầu bằng thủy tinh có mặt trong văn hóa Sa Huỳnh cũng có thể có ảnh hưởng do sự giao lưu. Ngược lại, cũng bằng đường biển, người Sa Huỳnh cũng đã đưa được sản phẩm độc đáo của mình đi đến các vùng ven biển khác ở Ðông - Nam Á, đó là những chiếc khuyên tai đá hoặc thủy tinh hình hai đầu thú hay khuyên tai ba mấu.

Cũng được hội nghị quan tâm thảo luận là vấn đề trống đồng Ðông Sơn ở ta. Bằng đường biển và các dòng hải lưu, gió mùa, trống đồng ở miền bắc Việt Nam đã lan tỏa ra nhiều vùng ven biển Ðông - Nam Á, nhiều nhất là ở vùng quần đảo In-đô-nê-xi-a, Thái-lan. Các nhà khoa học Ma-lai-xi-a cũng công bố tìm được 12 chiếc trống Ðông Sơn ở cả vùng bán đảo lẫn vùng đảo Boóc-nê-ô. Phát hiện mới nhất là trống đồng Ðông Sơn tìm được ngay trong lòng đất Cam-pu-chia, ở địa điểm Prô-hia, tỉnh Prây-veng vào mùa khai quật năm 2008-2009. Ðịa điểm này ở ngay gần biên giới nước ta, chỉ cách Tây Ninh chưa đầy 50 km.

Các nhà khoa học đánh giá cao con đường giao lưu ven biển giữa các nước trong khu vực thời cổ, không chỉ giao lưu một chiều mà đa chiều, đã hình thành nên một vùng liên kết kinh tế - xã hội chặt chẽ trong thời cổ đại, tạo nên một bản sắc văn hóa Ðông - Nam Á, thống nhất trong đa dạng.

Vấn đề bảo vệ di sản cũng được đặt ra. Các nước trong khu vực đã nhận thức được vấn đề phải cấp thiết bảo vệ các đền đài, các di tích khảo cổ trong lòng đất, cũng như cần phải gắn với du lịch sẽ làm di tích sinh động hơn và có điều kiện để bảo vệ di tích tốt hơn.

Những trao đổi, tranh luận tại hội nghị cho thấy mối quan tâm chung của các nhà khoa học về hệ thống những di sản chung của quá khứ giữa các nước lân bang. Những di sản đó có nhiều nét tương đồng, cộng cảm về con người, về văn hóa. Và tiếp tục sẽ là những công trình nghiên cứu sâu để làm rõ hơn những câu hỏi về một giai đoạn lịch sử của mỗi quốc gia, cũng như cả khu vực, trong hành trình vĩ đại của văn hóa nhân loại.

PGS, TS Trịnh Sinh

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8569498
Số người đang online: 24