Nỏ thần An Dương Vương - Từ huyền thoại đến sự thật lịch sử

Nỏ thần An Dương Vương - Từ huyền thoại đến sự thật lịch sử

 

 

Đã một thời gian rất dài, sự thật lịch sử về An Dương Vương với kinh đô Cổ Loa và nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam, luôn bị che mờ bởi những màn sương huyền thoại. Tuy nhiên gần đây, dưới ánh sáng của khoa học, đặc biệt là những thành tựu của khảo cổ học, những mây mù huyền thoại về giai đoạn lịch sử này đã dần dần được làm sáng tỏ.

 

Từ trong huyền thoại…

“Chuyện nỏ thần” hay là “Chuyện Mị Châu - Trọng Thủy” là một truyền thuyết nổi tiếng của Việt Nam, gắn liền với những biến cố lịch sử thời An Dương Vương. Chuyện kể rằng, sau khi giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội), thần Kim Quy đã trút một chiếc móng của mình trao cho Vua để chế lẫy nỏ làm vũ khí giữ thành khi có ngoại bang xâm lấn. Vua bèn sai tướng Cao Lỗ chế nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy nỏ, gọi là “Linh quang kim trảo thần nỗ”. Nỏ làm xong, mỗi một phát bắn hàng hàng trăm mũi tên tua tủa bay vút ra, bách phát bách trúng.

Lúc bấy giờ, Triệu Đà từ phương Bắc mấy lần đem quân xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, mỗi phát bắn ra, tên bay rào rào, quân địch chết như rạ, thây chất đầy nội. Thấy việc dùng binh không hiệu quả, Triệu Đà bèn dùng kế giảng hoà, cho con trai là Trọng Thuỷ sang Âu Lạc cầu hôn con gái An Dương Vương là công chúa Mị Châu, nhưng thực chất là để tìm hiểu bí mật quân sự của Âu Lạc. An Dương Vương lơ là mất cảnh giác nên đã mắc mưu Triệu Đà, để Trọng Thuỷ đánh tráo mất nỏ thần. Sau khi lấy được nỏ thần, Triệu Đà lập tức mang quân xâm chiếm Âu Lạc. Không còn nỏ thần, An Dương Vương thua trận, phải mang theo công chúa Mị Châu bỏ thành chạy vào Nghệ An và tử trận tại đây. Thất bại của An Dương Vương là khúc bi tráng của dân tộc, là bài học xương máu về tinh thần cảnh giác trước các âm mưu của ngoại bang trong công cuộc giữ nước.

 

Mũi tên. Đồng, di chỉ Cầu Vực, thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

…đến sự thật lịch sử

Theo phân kỳ khảo cổ học, thời An Dương Vương nằm trong khoảng từ cuối giai đoạn văn hóa Đông Sơn phát triển sang đầu giai đoạn văn hóa Đông Sơn muộn, tương ứng với khoảng cuối thế kỷ 3 đến giữa thế kỷ 2 trước Công nguyên. Tại khu vực thành Cổ Loa đã phát lộ nhiều di tích khảo cổ học văn hóa Đông Sơn nói chung và gắn với thời kỳ An Dương Vương nói riêng. Tháng 6 năm 1959, một hố mũi tên đồng với số lượng lên tới hàng vạn chiếc đã ngẫu nhiên phát lộ tại khu vực thành Cổ Loa khi công nhân đắp đường. Qua phân loại cho thấy, mũi tên đồng Cổ Loa gồm nhiều loại dài, ngắn khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm: đầu hình tháp 3 cạnh sắc tạo độ sát thương lớn và phần chuôi dài có tác dụng giảm lực ma sát, giữ thế cân bằng cho đường bay ổn định, đảm bảo độ chính xác tới đích bắn. Đáng chú ý, chỉ có khoảng một phần tư số mũi tên đã được tu chỉnh để sử dụng, ba phần tư còn lại là mũi tên mới ra khuôn, còn nguyên dấu vết của kỹ thuật đúc. Bởi vậy, đây có thể là kho cất giữ mũi tên vừa đúc xong, đang trong quá trình gia công để sử dụng. Do biến cố lịch sử, toàn bộ số mũi tên này được chôn giấu trong lòng đất Cổ Loa.

 

Lẫy nỏ. Đồng, Văn hóa Đông Sơn.

Việc phát hiện kho mũi tên đồng Cổ Loa đã giúp chúng ta tin tưởng phần nào vào truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương. Tuy nhiên, liệu số mũi tên này có phải được đúc tại chỗ hay không? Rất may mắn, nghi vấn này đã được giải đáp. Vào những năm 2000, ngay tại góc tây nam Đền Thượng trong khu vực thành Nội Cổ Loa, nơi thờ An Dương Vương, khảo cổ học đã phát hiện hệ thống lò đúc mũi tên đồng, cùng hàng trăm khuôn đúc, đúng với những mũi tên đồng Cổ Loa 3 cạnh mà chúng ta đã tìm thấy trước đó. Khuôn đúc mũi tên là khuôn ba mang. Mỗi mang tạo thành một cạnh của mũi tên, nên khi đúc xong, mũi tên có ba cạnh. Đây là những chứng cứ vật chất khẳng định chắc chắn việc đúc mũi tên của An Dương Vương tại kinh đô Cổ Loa. Đương thời, đây là loại vũ khí đánh xa tân tiến, lợi hại, nên có thể thấy, việc chế tạo phải được giữ bí mật tuyệt đối. Việc chọn góc tây nam của thành Nội Cổ Loa, khu vực trung tâm của thành Cổ Loa đã phản ánh được tầm quan trọng của vấn đề này. Với hệ thống lò đúc, khuôn đúc và số lượng lớn mũi tên đã phát hiện cho thấy đây vừa là một xưởng đúc lớn, vừa được tổ chức quản lý chặt chẽ của tổ chức xã hội cao nhất đương thời.

Khuôn đúc mũi tên. Đá, phát hiện tại đền Thượng, thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

Để trở thành loại vũ khí đánh xa lợi hại, mũi tên phải đi cùng với nỏ bắn. Tại Cổ Loa và nhiều nơi khác trong phạm vi phân bố của Văn hóa Đông Sơn cũng đã tìm thấy những chiếc nỏ đồng. Nỏ có cấu tạo gồm nhiều bộ phận đúc rời: hộp cò hình chữ nhật, miệng hộp xẻ chéo các rãnh để đặt mũi tên và khấc hãm dây nỏ; lẫy nỏ, có hình dáng gần giống móng rùa và hai thanh đồng dùng để đưa dây nỏ vào khấc hãm. Các bộ phận này được liên kết lại bằng hai cái chốt. Khi sử dụng, dây nỏ được căng lên, cài vào khấc hãm, dùng ngón tay kéo lùi lẫy nỏ để dây bật, đẩy tung những mũi tên lao tới đích. Cho tới nay, mặc dù số lượng tìm thấy không nhiều nhưng việc chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ bắn tên là một trong những sáng chế kỹ thuật quân sự lớn của người Việt cổ.

Những bằng chứng vật chất nêu trên cho thấy truyền thuyết về nỏ thần của An Dương Vương có cốt lõi lịch sử chân thực, đồng thời tự nó đã phá tan màn sương huyền thoại lâu nay bao phủ sự thật của lịch sử về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với số lượng hàng vạn mũi tên đồng, hàng trăm khuôn đúc đã được phát hiện, đã chứng minh rằng, đương thời đã có một đội quân lớn thường trực tại Cổ Loa. Rõ ràng, Cổ Loa là một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế lớn của nước Âu Lạc thời An Dương Vương.

(Theo baotanglichsu.vn)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8882101
Số người đang online: 29