Vật thiêng trong nghi thức tang ma của người Giáy xã Bản Giang (Lai Châu)

Vật thiêng trong nghi thức tang ma của người Giáy xã Bản Giang (Lai Châu)

 

 

Trong chuyến công tác thực hiện đề tài “Điều tra khảo sát các di tích khảo cổ học thời đại Kim khí tỉnh Lai Châu” chúng tôi đã được nghe về một vật thiêng rất quan trọng trọng nghi thực tang ma của dân tộc Giáy thuộc Bản Giang, xã Bản Giang huyện Tam Đường, Lai Châu. Đoàn khảo sát gồm cán bộ Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lai Châu đã đến tìm hiểu và được tiếp xúc với Vật thiêng này do gia đình anh Giàng Văn Pay sở hữu.

Trống còn tương đối nguyên vẹn, chất lượng đồng còn tốt mặc dù bề mặt đôi chỗ gỉ che mờ hoa văn trang trí. Trống có kết cấu chia thành 3 phần tương đối rõ ràng: mặt trống, thân trống và chân trống.

Vật thiêng trong nghi thức tang ma của người Giáy xã Bản Giang (Lai Châu)

Trống đồng và hoa văn trên mặt trống Bản Giang (Ảnh: Nguyễn Thơ Đình)

Mặt trống: Mặt chờm khỏi tang khoảng 0.8cm. Chính giữa mặt trang trí hình mặt trời đúc nổi 12 tia. Phần này được đánh vào nhiều nên đồng bóng màu vàng và trung tâm mặt trời hơi lúm xuống. Giữa các tia là hoa văn cách điệu hình lông công. Từ hình mặt trời đúc nổi ra ngoài có 8 vành hoa văn được phân cách bằng đường đúc chỉ nổi.

Thân trống: Tang trống rộng hơn mặt trống một ít. Ranh giới giữa tang và lưng trống không rõ ràng, giữa tang và lưng là một đường cong không gãy góc. Tang được trang trí 6 đương chỉ đúc nổi tạo thành 3 băng hoa văn trang trí.

Giữa lưng trống có gờ nổi, phía dưới gần chân trống có trang trí 3 băng hoa văn phân cách nhau bằng các đường chỉ nổi.

Chân trống: hơi choãi ra so với thân trống. Chân được trang trí băng hoa văn hình tam giác được tạo ra bằng cách lồng 4 đường chỉ nổi. Sát mép chân có một đường chỉ nổi chạy xung quanh chân.

Trên thân và chân trống còn để lại hai gờ ghép khuôn khá thô (rộng 0.3cm phía sát mặt trống, 0.5cm phía dưới chân trống), và 10 lỗ thủng nhỏ gần hình chữ nhật có kích thước khoảng 1 x 1.2cm ở nhiều vị trí khác nhau (vị trí con kê?).

Kích thước trống: Đường kính mặt trống: 49.9cm; Đường kính tang trống: 48.3cm; Cao: 27cm (tang 10.5cm, lưng 12.3cm, chân 5.2cm); Khối lượng: 14kg.

Qua hình dáng và hoa văn, đối chiếu với hệ thống phân loại trống đồng thì chiếc trống phát hiện ở Bản Giang là trống Heger loại IV. So sánh về hình dáng cũng như hoa văn trống Bản Giang có nhiều nét tương đồng với một số trống đã phát hiện ở khu vực Tây Bắc như trống ở bản Séo Xín Chải (Tam Đường), trống Na Ngum (Điện Biên), trống Mường Lay (Điện Biên)… Trống có niên đại khoảng Thiên niên kỷ II Công nguyên và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Vật thiêng trong nghi thức tang ma của nhân dân Bản Giang

Tuy là vật sở hữu riêng nhưng trống được sử dụng vào công việc chung của nhân dân Bản Giang. Trước đây trống được sử dụng mỗi dịp đón Tết Nguyên Đán và những khi trong bản có người qua đời. Khoảng 3 đời trở lại đây thì trống chỉ được sử dụng trong đám tang mà thôi. Khi bản có tang ma, gia đình tang chủ sẽ cho người đem một chai rượu đến cho chủ nhà cúng làm lý rời trống về phục vụ đám tang. Đi đón trống là hai người đàn ông mặc quần áo truyền thống của dân tộc Giáy và phải dùng áo để che kín trống không được cho ánh sáng mặt trời chiếu vào trống. Họ quan niệm nếu ánh sang chiếu vào, trống sẽ bay lên trời mất. Đón trống về đến nhà đám, người ta dựng dàn và treo trống lên ở gần quan tài. Trong quá trình tổ chức tang lễ trống sẽ được đánh vào chính giữa mặt ngôi sao 12 cánh. Dùi đánh là dùi thẳng làm bằng gỗ với phần đánh được bọc bằng rơm, vải hoặc cao su. Người dân quan niệm tiếng trống đồng rất thiêng liêng, nó là âm thanh của trời. Tiếng trống đồng vang xa, vang cao sẽ thấu tới trời cao và báo cho núi rừng, tổ tiên biết dòng họ có thành viên mới qua đời. Khi chuẩn bị làm lễ di quan, người ta hạ trống xuống và dung một chai rượu cúng lý cho trống. Khi đưa tang, trống đồng được đặt tại nhà tang chủ chứ không được đưa đi cùng. Sau khi hoàn tất việc chôn cất, những người đi rước trống sẽ rước trống đi trả. Họ đem theo 1kg thịt lợn, 1 chai rượu, vàng mã được gấp thành thuyền và 3 nén hương đến để chủ nhà cúng lý nhận lại trống.

Bản Giang là bản trung tâm của xã Bản Giang. Đây là khu vực cư trú của dân tộc Giáy (nhân dân ở đây tự nhận là dân tộc Pố Nả hoặc Củi Chu). Bản Giang có 120 hộ gia đình với hơn 600 nhân khẩu. Trống đồng rất quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Giáy ở Bản Giang. Họ quan niệm nếu không có tiếng trống đồng vang vọng khắp núi rừng, vang thấu trời xanh thì hồn người chết sẽ bơ vơ không biết tìm đường về với tổ tiên. Đây là vật thiêng vô cùng quý giá và được gia đình Giàng Văn Pay lưu truyền, cất giữ rất cẩn thận từ đời nọ sang đời kia.

Nguyễn Thơ Đình

(Thông tin chi tiết xem trong NPHM về Khảo cổ học năm 2014)

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8988094
Số người đang online: 20