Phát hiện và nghiên cứu bước đầu về hệ thống các di tích thời đại đá cũ và công xưởng thời đại đá mới ở thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai

Phát hiện và nghiên cứu bước đầu về hệ thống các di tích thời đại đá cũ và công xưởng thời đại đá mới ở thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai

 

 

 Sáng ngày 21/1/2015, tại Viện Khảo cổ học đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề " "Phát hiện và nghiên cứu bước đầu về hệ thống các di tích thời đại đá cũ và công xưởng thời đại đá mới ở thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai" do NCV. Phan Thanh Toàn, Phòng Nghiên cứu Thời đại Đá thay mặt nhóm nghiên cứu, trình bày.Tham dự buổi sinh hoạt khoa học có Ban Lãnh đạo Viện cùng đông đảo cán bộ trong Viện.

Năm 2014, thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai”, Đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Gia Lai, cán bộ văn hóa các huyện KBang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê khảo sát các di tích thời đại Đá ở các khu vực này. 

Các huyện Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê là một trong 21 tiểu vùng địa lý của Tây Nguyên, mang tên Trũng An Khê. Đây là các huyện miền đông Gia Lai, miền đông dãy Trường Sơn và là vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng ven biển Trung Bộ. Địa hình vùng này thuộc kiểu bóc mòn tích tụ với các dạng đồi sót, được thành tạo do xâm thực bóc mòn của sông Ba và phụ lưu của nó vào cuối sơ kỳ Cánh Tân (QI). Sông Ba là sông lớn nhất Tây Nguyên đổ nước ra biển Đông, thượng du sông này thuộc phần đất phía đông tỉnh Gia Lai, có vị trí hết sức quan trọng đối với địa bàn cư trú của cư dân tiền sử và hiện tại.

Từ những năm 2000, cán bộ Viện Khảo cổ học cùng với cán bộ văn hóa tỉnh Gia Lai đã công bố những phát hiện về các di tích, sưu tập di vật có niên đại thời đại đá cũ , đá mới và sơ kỳ kim khí ở khu vực này.

Đợt điều tra khảo sát năm 2014 ở các huyện thị KBang, Đắk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê tỉnh Gia Lai, lần đầu tiên ở vùng trũng An Khê đã tìm thấy hệ thống các di tích khảo cổ học thời đại đá cũ phân bố trên thềm cổ nhất của sông Ba, trong địa tầng Cánh tân. Có nhiều khả năng các di tích này thuộc trung hoặc sơ kỳ Đá cũ, có tuổi vài chục vạn năm cách ngày nay. Những phát hiện này đã bổ sung thêm một vùng đất cổ xưa của nhân loại - vùng thượng du sông Ba, vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng duyên hải Trung Bộ.

Công cụ đá Rộc Tưng  Rìu tay Gò Đá  Công cụ đá Rộc Hương
     

Đồng thời, một loạt các di tích ở thềm bậc 2 sông Ba đã phát hiện được những di vật có nhiều nét gần gũi với công cụ cuội tìm thấy trong văn hóa Sơn Vi (Phú Thọ), ở lớp dưới cùng di chỉ Lung Leng (Kon Tum) mang đặc trưng hậu kỳ Đá cũ, có tuổi 1 đến 3 vạn năm trước. Những phát hiện này đã bổ sung thêm diện phân bố văn hóa hậu kỳ Đá cũ kiểu Sơn Vi ở Tây Nguyên trong vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng duyên hải Trung Bộ.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên chúng ta phát hiện ở miền đông Gia Lai, tại vùng đồi gò thấp bên sông Ba một hệ thống các công xưởng chế tác rìu đá opal. Ngoài hệ thống công xưởng khép kín, ở vùng thượng du sông Ba chúng ta còn biết đến dạng di chỉ xưởng, vừa cư trú vừa gia công chế tác công cụ. Bên cạnh công cụ lao động ở đây còn tìm thấy đồ gốm. Những di tích này thuộc hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay khoảng 3.000 đến 4.000 năm. Sự xuất hiện hệ thống các di tích cuối Đá mới và hệ thống công xưởng đã xác nhận sự phát triển cao của hoạt động kinh tế nguyên thủy, chuẩn bị cho bước chuyển vào xã hội văn minh với một vùng rộng lớn khá đồng đều ở Tây Nguyên.

Những di vật như lưỡi cuốc đá hình cuốc chim, khuôn đúc rìu đồng, trống đồng và các dấu tích xỉ sắt trong các lò luyện sắt gặp ở nhiều nơi dọc sông Ba phát hiện được ở các huyện miền đông Gia Lai cho thấy vùng đất này đã thực sự bước vào thời đại Kim khí từ đầu Công nguyên.

Phác vật rìu di chỉ Hlang Rìu bôn đá Thôn Ba 
   

Ngoài ra, đợt điều tra khảo sát lần này cũng phát hiện được những dấu tích văn hóa của thời kỳ lịch sử sau này liên quan đến vương quốc Champa hay hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn tại căn cứ Tây Sơn Thượng đạo giai đoạn 1771-1773.

Những phát hiện trên phản ánh nhiều giai đoạn khác nhau của văn hóa khảo cổ, thời đại khảo cổ, đặc biệt là giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc. Đây là nguồn tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu lịch sử, địa chí địa phương. Đồng thời mở ra triển vọng lớn cho các chương trình điều tra, khai quật khảo cổ dọc sông Ba đi liền với qui hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa khảo cổ, góp phần phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên nói chung và miền đông Gia Lai nói riêng.

Mặc dù còn có những ý kiến chưa thống nhất về niên đại của một số di tích, các đại biểu tham dự buổi báo cáo khoa học đều đánh giá cao những giá trị khoa học của đợt điều tra khảo sát lần này.  Đều nhất trí cho rằng cần  vtiếp tục mở rộng diện điều tra khảo cổ dọc, tìm kiếm các di tích văn hóa quan trọng - một cầu nối văn hóa giữa Cao nguyên với đồng bằng duyên hải Trung Bộ Việt Nam, tạo dựng sự thống nhất trong đa dạng về văn hóa khu vực trong thời tiền sử, lịch sử văn hóa Champa và con đường giao thương trong lịch sử ở vùng đất này, Cần trở lại nghiên cứu khảo cổ học các di tích Tây sơn Thượng đạo, làm rõ giá trị lịch sử văn hóa của các di tích này trong giai đoạn đầu khởi nghĩa Tây Sơn./.

Hiếu Hiền (Tổng hợp)

Ảnh: Phan Thanh Toàn

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8882260
Số người đang online: 27