Kết quả khảo sát cảng Vân Đồn và di tích Bạch Đằng (Quảng Ninh) năm 2012

Từ ngày 19 đến ngày 26 tháng 11 năm 2012, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học dưới nước của Đại học Texas A&M (Mỹ), Đại học Murdoch và Đại học Monash (Úc) tiếp tục thực hiện kế hoạch khảo sát nghiên cứu tại hai khu vực thuộc tỉnh Quảng Ninh: đảo Quan Lạn (thuộc khu di tích Vân Đồn) và di tích Bạch Đằng (trên đảo Hà Nam). Mục tiêu nhằm hiểu rõ hơn trận chiến Bạch Đằng năm 1288 và sự kiện liên quan đến việc Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của quân Nguyên ở khu vực gần cảng Vân Đồn.

Kết quả khảo sát tại Vân Đồn

Vân Đồn là một huyện đảo bao gồm các đảo giáp với vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, tên huyện đã có trong các ghi chép lịch sử từ năm 1149. Tầm quan trọng của Vân Đồn không chỉ là một cảng cổ mà còn có ý nghĩa lớn về lịch sử, với sự kiện Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của quân Nguyên vào năm 1288. Tại đây, đoàn đã thực hiện việc khảo sát các khu vực bến cảng cổ (Cái Làng, bến Con Quy, khu vực hai bên bờ sông Mang), khu dân cư và các di tích lịch sử trên đảo Quan Lạn, khảo sát trên mặt nước bằng phương pháp quét cạnh siêu âm, sử dụng thiết bị Starfish (Side scan sonar). Việc khảo sát trên mặt nước được thực hiện trong khu vực dài khoảng 25km trên sông Mang, phát hiện khoảng 55 điểm chướng ngại vật. Có thể 5-6 điểm trong số này là tàu đắm cổ.

Việc khoan lấy mẫu phân tích bào tử phấn hoa nhằm nghiên cứu môi trường cổ được thực hiện ở khu vực xóm Thái Hòa, hiện nay là nơi có nhiều cánh đồng lúa trong thung lũng mở rộng dưới chân các dãy đồi thấp. Ở địa hình cao hơn, có mặt nhiều giếng nước cổ, nay vẫn đang được sử dụng. Tại khu vực bến Cái Làng, đoàn đã được gia đình nhà anh Hùng, một trong số rất ít hộ dân còn ở lại trong khu vực này hướng dẫn thăm các hố khai quật trên bến cảng cổ, giếng Hệu, miếu thờ sâu trong thung lũng có tên Lòng Cái Làng. Trong khu vực này, đoàn đã thu thập được một số mảnh sành và gốm. Cũng trong khu vực này, anh Hùng, ông Nguyễn Thế Yên và ông Duyệt (cán bộ văn hóa đã nghỉ hưu) đã thu thập nhiều mảnh sành gốm, gạch, đất nung, tiền đồng và khóa đồng thuộc nhiều  thời kì. Trong đó, đáng chú ý là một đồng tiền Ngũ Thù, bát gốm men thời Bắc thuộc, một mô hình tháp đất nung, có thể thuộc thời Trần và một khẩu súng canon thuộc kiểu Bồ Đào Nha, nhưng có thể đã được người châu Á mô phỏng vào thế kỉ XVI-XVII. Khảo sát ven bờ khu vực sông Mang, đoàn đã thu được nhiều mảnh gốm men, sành ở các khu vực Mang Thúng và Mang Đò. Một vài mảnh gốm và sành phát hiện ở Cái Làng và Mang Thúng có thể định niên đại vào thời Trần, một số mảnh khác thuộc thời Lê và muộn hơn. Ngoài ra vị trí của một số giếng nước cổ cũng được ghi lại (giếng Hệu ở Cái Làng, giếng Ruộng ở xã Thái Hòa…).

Đoàn cũng đã khảo sát và phỏng vấn nhân dân địa phương, đặc biệt là các giáo viên về những hiểu biết của họ về thương cảng cổ, các nguồn nước cổ và lịch sử định cư trên đảo Quan Lạn. Điều lý thú là trong bài giảng của cô Lan, một giáo viên dạy sử tại trường cấp hai Quan Lạn, các tư liệu lịch sử, khảo cổ học và cảnh quan hiện tại của Vân Đồn và Bạch Đằng đã đươc cô soạn thành một bài giảng trình bày bằng PPT với những hình ảnh rất sinh động.

Kết quả khảo sát tại Bạch Đằng

Tại khu vực di tích Bạch Đằng, đoàn tiếp tục việc khảo sát các cánh ruộng xung quanh di tích Đồng Má Ngựa, nơi đã phát hiện một số lượng lớn cọc gỗ và dấu vết các dòng chảy cổ trong khu vực phía nam và phía tây bãi cọc.  Để xác định tính chất và thời kì bồi lấp của các dòng chảy cổ, đoàn đã thực hiện khoan lấy mẫu trong cánh ruộng có tên là “Lòng Thong”, thuộc  phường Yên Hải (trước đây thuộc xã Hải Yến). Để có thể khoan sâu bằng khoan tay (kiểu khoan pit tong), một hố đào nhỏ được mở tới độ sâu khoảng 2,5m. Bên dưới lớp đất canh tác và lớp phù sa bồi tụ, một lớp vỏ hàu dày tới khoảng  hơn 1m đã được dỡ lên. Nhờ đó, mũi khoan có thể xuống sâu thêm khoảng 1,5m, chạm đến một lớp vỏ hàu thứ hai. Trong phần trên của lớp hàu, một mảnh sứ hoa lam nhỏ và một mẩu gỗ vụn được phát hiện. Ở độ sâu từ 1,6 đến 2,4m, nhiều mẩu gỗ chắc, mịn tiếp tục được phát hiện. Một số mảnh có hình dạng được gia công. Sơ bộ dự đoán có khả năng đây là các mảnh tàu đắm. Tính chất và niên đại của chúng sẽ được tiếp tục xác định bằng phương pháp C14 và phân tích tính chất của loài cây gỗ.

Việc khảo sát các di tích và phỏng vấn nhân dân được tiếp tục nhằm nghiên cứu các di sản phi vật thể trong khu vực.

Kết luận

Đánh giá sơ bộ các kết quả nêu trên, có thể thấy đợt khảo sát đã thu được nhiều thông tin ở cả hai khu vực, cho thấy các di tích này có tầm quan trọng ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Dưới đây là một số đề xuất cho các kế hoạch nghiên cứu và bảo tồn, phát huy tác dụng tiếp theo:

Xây dựng một kế hoạch dài hạn cho việc nghiên cứu, bảo vệ, quản lý và bảo tồn hai khu vực di tích này. Trong đó chú trọng đến lợi ích của nhiều nhóm cộng đồng, bảo vệ di tích, bảo tồn và trưng bày hiện vật.

Thiết lập một hướng tiếp cận đầy đủ cho Vân Đồn và Bạch Đằng với ý nghĩa là nơi chứng kiến chiến thắng của nhà Trần chống quân Mông - Nguyên.

Tiếp tục nghiên cứu khảo cổ học tại Vân Đồn như là một cảng cổ có vai trò quan trọng ở miền Bắc Việt Nam, một điểm quan trọng trong hệ thống giao thương quốc tế trên biển, giống như các cảng cổ ở miền Trung và miền Nam Việt Nam (thuộc vương quốc Champa và sau này thuộc Đại Việt).

Tiếp tục hướng nghiên cứu tiếp cận đa ngành, trên cơ sở khảo cổ học hàng hải và dưới nước, bằng việc nhằm vào chứng cứ cảnh quan khảo cổ học trên đất liền và các di tồn khảo cổ học tiềm năng dưới nước.

Nâng cao nhận thức của nhân dân ở các khu vực này về ý nghĩa của hai di tích, bằng việc nhấn mạnh vai trò của họ trong mối liên quan với các di sản văn hóa phi vật thể.

Mở rộng việc hợp tác giữa Viện Khảo cổ học với các cơ quan trung ương, các địa phương và các chuyên gia nước ngoài trong việc khảo sát dưới nước và khảo sát địa vật lý, sử dụng các thiết bị kĩ thuật hiện đại.

 

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8858498
Số người đang online: 30