Mặt bằng di tích thời Trần tại Bến Lăn (Lục Yên – Yên Bái)

Nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu các mô hình kiến trúc giữa Nhật Bản và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành. Tháng 2 năm 2011, chúng tôi đã có dịp lên khảo sát thực địa di tích Bến Lăn, xem xét các vết tích kiến trúc được bảo tồn hiện trạng, tham khảo tư liệu các kết quả nghiên cứu khảo cổ học của di tích.

Di tích chùa Bến Lăn thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, có tọa độ 104042’30” kinh độ Đông, 2207’22” vĩ độ Bắc. Từ năm 2005 đến 2008 đã trải qua 4 lần khai quật đã xuất lộ di tích kiến trúc chùa nằm trong khuôn viên có diện tích 6.713m2 với mặt bằng gồm: dấu tích kiến trúc trung tâm với 16 móng trụ, nền được đắp bằng đất sét đồi; 5 di tích kiến trúc nằm hai bên kiến trúc trung tâm, sát với tường bao; 14 ngôi tháp phân bố đăng đối hai bên trục thần đạo; tường bao được xây dựng bằng đá dày 1,5m. Các nhà nghiên cứu đánh giá, đây là mặt bằng hoàn chỉnh của ngôi chùa tiêu biểu thuộc thời Trần.

Qua nghiên cứu, khảo sát trên thực địa, chúng tôi xin đưa ra ý kiến về mặt bằng tổng thể của di tích Bến Lăn như sau, tính từ phía Nam theo trục “thần đạo”.

Nền di tích: Trên mặt bằng tổng thể gồm có 3 cấp nền, cấp nền ngoài cùng phía Nam thấp nhất, có dấu tích của 10 ngôi tháp. Cấp nền thứ 2 có dấu tích của 2 ngôi tháp chính và các công trình kiến trúc, nổi bật ở cấp nền này là kiến trúc trung tâm với 16 móng trụ được tìm thấy, ngăn cách giữa cấp nền 1 và 2 là bức tường đá hiện vẫn còn quan sát được ở phía Đông. Cấp nền 3 cao nhất, nằm bên ngoài phía Bắc của hệ thống tường bao, chính giữa trục “thần đạo” có bậc thềm đá dẫn lên, tuy nhiên ở cấp nền này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đào các rãnh thăm dò nhưng chưa tìm được dấu tích kiến trúc.

Di tích kiến trúc trung tâm: đã xác định được mặt bằng gồm 16 móng trụ, trong đó có 4 móng trụ phân bố tạo thành mặt bằng chính của kiến trúc với diện tích 30,36m2 (chiều Bắc – Nam là 4,6m; chiều Đông – Tây là 6,6m). Các móng trụ còn lại có kích thước nhỏ hơn thuộc hệ thống các cột hiên. Bó nền của kiến trúc được xây dựng bằng ngói, sỏi, có chèn các mảnh gạch vỡ. Hai bên của kiến trúc trung tâm có 5 công trình kiến trúc khác, đó có thể là các công trình phụ trợ phục vụ cho các hoạt động tôn giáo của kiến trúc chính.

Di tích tường bao: có chu vi 640,4m với diện tích 6.713,6m2, thân tường được xây dựng bằng đá rộng 1,5m. Phía Bắc của khuôn viên rộng hơn phía Nam, cạnh phía Nam ngắn hơn cạnh phía Bắc, dài khoảng 55m. Cạnh phía Bắc dài khoảng 60m. Cạnh phía Tây chạy thẳng, song song với đường đi, dài khoảng 88,4m. Cạnh phía Đông chạy xiên chéo, dài bằng với cạnh phía Tây. Trên bờ cạnh Bắc, nằm thẳng với trục “thần đạo” có dấu tích 3 bậc thềm bằng đá rộng 0,4m, dài 1,2m dẫn lên công trình kiến trúc ở cấp nền thứ 3.

Tại kinh đô Silla của Hàn Quốc, đã phát hiện và khai quật di tích chùa Tứ Đại Thiên vương, niên đại thuộc thế kỷ 6 – 10, bình đồ của ngôi chùa này có tính chất khá giống với di tích chùa Bến Lăn. Các công trình kiến trúc phía sau chùa chính là nơi giảng đạo và học tập, và nơi ở của các nhà sư và tăng ni.

Như vậy, mặt bằng hiện trạng di tích Bến Lăn có thể thấy:

1/ Mặt bằng di tích chùa chính và các công trình kiến trúc phụ trợ trong phạm vi tường bao đã được làm rõ, với điểm nổi nét là công trình kiến trúc trung tâm với 16 móng trụ và bó nền.

2/ Dấu tích kiến trúc nằm về phía Bắc của tường bao, thuộc cấp nền 3, có đường dẫn lên vẫn chưa được làm rõ. Đó có thể là nơi giảng dạy và học tập đạo pháp, và nơi ở của các nhà sư và tăng ni. Tại cấp nền này, trên mặt bằng hiện trạng, có một lớp đất màu nâu vàng nhạt, khá thuần, đây có thể là lớp đất đắp nền của di tích kiến trúc. Các dấu tích trên mặt nền có thể đã bị san gạt vào năm 1970 để làm trường học. Trong quá trình san gạt đã phát hiện được nhiều di vật.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị tiếp tục khai quật làm xuất lộ các công trình kiến trúc ở cấp nền 3 nhằm làm rõ toàn bộ bình đồ tổng thể của di tích chùa Bến Lăn. Qua đó có thể phục dựng lại toàn bộ mặt bằng tổng thể của di tích phục vụ cho việc thăm quan, nghiên cứu. Đây sẽ là địa điểm du lịch tôn giáo hấp dẫn của vùng Tây – Bắc.

 

Phạm Văn Triệu

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8858577
Số người đang online: 28