Về không gian phân bố di tích khảo cổ tiền sơ sử ở Khánh Hòa

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có phần lãnh thổ trên đất liền nhô ra xa nhất về phía Biển Đông. Ngoài phần lãnh thổ trên đất liền, Khánh Hòa còn có vùng biển, vùng thềm lục địa, các đảo ven bờ và huyện đảo Trường Sa. Nằm ở đoạn cuối của gờ núi nam Trường Sơn, do vậy cấu trúc địa hình Khánh Hòa chủ yếu là dạng địa hình miền núi, bán sơn địa. Núi bao bọc ba phía tạo thành một vòng cung lớn, lồi về phía tây, lõm về phía đông, ôm lấy hai cánh đồng duyên hải nhỏ hẹp, núi non chiếm trên 70% diện tích, còn lại là đồng bằng. Cao trình biến đổi mạnh từ 100m đến 1.000m, vì vậy, nhiều nơi không có miền trung du chuyển tiếp như ở một số tỉnh miền núi Bắc Bộ. Đồng bằng Khánh Hòa nhỏ hẹp và bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ra biển. Bờ biển có nhiều loại khác nhau như bờ biển đá, bờ biển cát, bờ biển vũng, vịnh. Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh, bãi triều, bãi cát trắng. Khánh Hòa cũng là tỉnh có nhiều sông ngòi, nhưng đều ngắn và dốc.

Nghiên cứu về không gian phân bố di tích khảo cổ giai đoạn tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa trong những năm qua có thể nhận thấy sự phân bố các di tích có sự liên quan mật thiết với địa hình tự nhiên.

Trên địa bàn Khánh Hòa đến nay đã phát hiện gần 40 địa điểm là di tích khảo cổ và khu vực có dấu hiệu di tích khảo cổ giai đoạn tiền sử và sơ sử, phân bố theo địa bàn như sau: huyện Cam Lâm 11 địa điểm, thành phố Cam Ranh 15 địa điểm, huyện Diên Khánh 1 di tích văn hóa Sa Huỳnh, thành phố Nha Trang 3 địa điểm, huyện Vạn Ninh 6 địa điểm, huyện Khánh Sơn 2 địa điểm, huyện đảo Trường Sa 1 địa điểm. Các di tích tiền sơ sử ở Khánh Hòa đều nằm bám theo các vũng vịnh biển lớn như vịnh Cam Ranh (các di tích ở huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh), vịnh Nha Trang và vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh). Trong đó, tuyệt đại đa số di tích tập chung ở khu vực vịnh Cam Ranh, trong đó có những di tích tiêu biểu như: Hòa Diêm, Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Gò Điệp, Vĩnh Hải… Khu vực các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và giáp núi như thị xã Ninh Hòa, miền núi huyện Vạn Ninh hầu như không thấy sự xuất hiện của di tích khảo cổ.

Điểm qua hệ thống di tích có thể thấy chỉ riêng ở khu vực vịnh Cam Ranh đã tập chung 26/40 địa điểm khảo cổ tiền sơ sử phân bố dày đặc bao quanh bờ vịnh tạo thành hình móng ngựa ở khu vực huyện Cam Lâm và kéo dài theo hai bên bờ vịnh xuống đến thành phố Cam Ranh. Lý giải điều này không khó bởi trong môi trường khá hoang sơ, với nối sống và phương thức kinh tế khai thác tự nhiên, các nhóm cư dân cổ hầu như đều phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên. Môi trường tự nhiên ở vùng ven vịnh biển với các yếu tố thuận lợi như gần biển, gần rừng, không gian sống thoáng đãng là một không gian cực kỳ thuận lợi cho sự sinh sống của các nhóm người cổ. Trong khi đó, ở phía trong các vùng đồng bằng trũng thời gian này mới đang trong quá trình thành tạo, lầy lội, ẩm ướt không thuận lợi cho cư trú. Tại đây các nhóm cư dân cổ có thể triển khai phương thức khai thác biển như đánh bắt các loại cá gần bờ và xa bờ, thu lượm các loài nhuyễn thể biển, nhưng đồng thời vẫn có thể triển khác các hoạt động kinh thế khai thác rừng như săn bắt (bắn) các loài thú và hái lượm các loại rau quả. Mặt khác phương thức hoạt động kinh tế nông nghiệp dạng như những nhóm cư dân ở vùng đồng bằng có thể cũng được các nhóm cư dân ở đây triển khai tại vùng đồng bằng trũng Cam Lâm - Cam Ranh.

Nhìn chung, do các đặc điểm địa hình, địa mạo, khí hậu, sông ngòi… quy định nên ở khu vực ven biển Khánh Hòa, ngay từ thời tiền sơ sử là một vùng đất khá trù phú, thuận lợi cho con người sinh sống và triển khai các phương thức kinh tế khai thác tự nhiên. Đây là nơi có nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, dễ dàng khai thác, đánh bắt chỉ bằng các loại công cụ thô sơ. Bên cạnh đó là các doi dát cổ nằm phân bố dọc bờ biển, xung quanh được bao bọc bởi các vùng đầm phá, vũng vịnh là nơi rất thuận lợi cho việc định cư sinh sống của con người ở giai đoạn bình minh của lịch sử. Ngược lại với vùng ven biển, khu vực đồng bằng và miền núi Khánh Hòa có địa hình rất hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, không thuận lợi cho việc định cư và sinh sống. Do đó, di tích khảo cổ phân bố ở những khu vực này rất hiếm và hầu như chỉ là những vết tích rất mờ nhạt.

 

(Tác giả: Nguyễn Ngọc Quý)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8858618
Số người đang online: 30