Đôi nét về hệ thống văn hóa biển Việt Nam từ thời Tiền sử đến Lịch sử

  1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia Biển. Việt Nam có đường bờ biển dài nhất trong số 10 quốc gia bao quanh biển Đông (3260km), có tới trên 3000 đảo lớn nhỏ, có diện tích và chủ quyền biển đảo lớn gấp nhiều lần trên đất liền. Bên cạnh đất liền, Biển đảo là đặc trưng ĐỊA - VĂN HÓA, nổi bật của Văn hóa và Văn minh Việt Nam. Biển Đông có tuổi 30 triệu - 17 triệu năm. Trong kỷ Đệ Tứ có nhiều đợt biển tiến biển thoái. Biển tiến Holocene bắt đầu từ 7000BP là một trong những tác nhân môi trường sinh thái hình thành hệ thống văn hóa Biển Việt Nam.

  1. Hệ thống văn hóa Biển Việt Nam thời Tiền - Sơ sử

2.1. Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn là những văn hóa Tiền sử từ cuối thời hậu kỳ đá cũ đến sơ kỳ thời đại đá mới - niên đại trên dưới 20.000BP đến 7.000BP – 8.000BP thực sự là những nền văn hóa bản địa gốc cho các văn hóa Tiền - Sơ sử và lịch sử sau đó trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Người Hòa Bình - Bắc Sơn đã bước đầu làm quen với biển qua các chứng tích nhuyễn thể biển ở một số hang động Hòa Bình (Mái Đá Nước, Xóm Thân, Đức Thi...)

2.2. Bình tuyến hậu Hòa Bình = Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn - Bàu Dũ: 7000BP - 4000BP - Mở đầu văn hóa Biển.

Những chủ nhân văn hóa Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn - Bàu Dũ là những người hậu Hòa Bình - Bắc Sơn, cũng là những người đầu tiên sống với biển trên đảo Cát Bà (Hải Phòng - đồng bằng ven biển Hà Trung - Hậu Lộc (Thanh Hóa), vịnh cổ Quỳnh Lưu - cửa sông Nghèn (Nghệ An - Hà Tĩnh) và Bàu Dũ ven biển Quảng Nam. Cư dân bình tuyến Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn - Bàu Dũ ven biển và hải đảo đã sống với biển, tiến hành kinh tế, khai thác biển (khai thác nhuyễn thể: sò, ốc, ngao, hàu, điệp…), đánh bắt cá và các loại hải sản khác, phát triển kinh tế khai thác thủy sản lên một trình độ cao chưa từng có trước đó: phát triển công cụ mài, phương tiện đi lại bằng bè, mảng, dụng cụ đánh bắt cá, sáng tạo đồ gốm…, xác lập lối sống ngoài trời, và có thể bước đầu đẩy mạnh một bước kinh tế sản xuất. Những hành vi ứng xử thích hợp và sáng tạo văn hóa ở môi trường sinh thái mới đã làm thay đổi diện mạo kinh tế, văn hóa Tiền sử Việt Nam thời ấy. Đó là những tiến bộ chưa có trước đó hay chưa có điều kiện phát triển trước đó. Những tiến bộ này có thể ảnh hưởng ngược trở lại bộ phận văn hóa nền gốc vùng nội địa, và là cơ sở cho những tiến bộ tại chỗ ở bình tuyến sau đó.

2.3. Giai đoạn hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí với hệ thống văn hóa Hạ Long - Hoa Lộc - Thạch Lạc - Bàu Tró - Xóm Cồn: Giai đoạn phát triển thuần thục văn hóa Biển: trên 4000BP – 3000BP.

 Không gian phân bố của bình tuyến văn hóa này bao hàm hết vùng đồng bằng ven biển và hải đảo miền Bắc và miền Trung, từ Móng Cái, Quảng Ninh, Hải Phòng đến Ninh Thuận - Bình Thuận. Số lượng các di tích - đơn vị cư trú gia tăng không thua kém các văn hóa đồng đại trong nội địa như các văn hóa Phùng Nguyên, Mai Pha, Hà Giang. Kinh tế - văn hóa phát triển, đặc biệt là sự phát triển của kinh tế sản xuất, nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp như chế tác đá, gốm, nghề mộc, phát triển nghề khai thác biển. Bình tuyến này đã xác lập việc định cư ở đồng bằng, ven biển và hải đảo và tham gia vào quá trình tạo dựng, phát triển văn hóa - văn minh vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ - Trung Bộ và Tây Nguyên. Góp phần tạo dựng văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh.

2.4. Bình tuyến Đông Sơn – Sa Huỳnh

 Vùng Quảng Ninh, Hải Phòng: Có các địa điểm Tiền Đông Sơn - Đông Sơn như Hang Bồ Chuyến (và huyện Hoành Bồ), địa điểm Đầu Rằm (Yên Hưng ) thể hiện sự hòa nhập văn hóa Hạ Long (muộn) với Phùng Nguyên - Tràng Kênh để hình thành loại hình Đông Sơn Biển.

 Khu vực miền Trung - Tây Nguyên

  • Văn hóa Hoa Lộc - Cồn Chân Tiên góp phần hình thành loại hình văn hóa Đông Sơn - Thanh Hóa.
  • Đền Đồi và các địa điểm giai đoạn Bàu Tró - Nghệ Tĩnh cùng với Rú Trăn tạo dựng Đông Sơn – Nghệ Tĩnh.
  • Bàu Tró - Ba Cồn I - Ba Cồn II, Cồn Nền - Bàu Khê tham gia tạo dựng văn hóa Sa Huỳnh - Bình - Trị - Thiên.
  • Bàu Tró, Bàu Trám, Long Thạnh cùng với Biển Hồ, Lung Leng tạo dựng Sa Huỳnh phía Bắc (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định)
  • Xóm Cồn, Biển Hồ, Lung Leng tạo dựng Sa Huỳnh Nam.
  • Loại hình hải đảo Trường Sa, Cù Lao Chàm - Lý Sơn - Phú Quý - Côn Đảo - Thổ Chu - Phú Quốc - Kiên Hải là giai đoạn phát triển văn hóa Biển.
  1. Nhận xét

3.1. Từ góc độ địa văn hóa có thể thấy thời Tiền - Sơ sử từ giai đoạn trung kỳ đá mới - hậu Hòa Bình - Bắc Sơn trở về thời Sơ sử và lịch sử có hai hệ thống văn hóa:

 - Hệ thống văn hóa núi và đồng bằng: Hòa Bình - Bắc Sơn - Văn hóa hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí - và sơ kỳ thời đại Đồ Sắt ở địa bàn núi đồi trung du - đồng bằng châu thổ và cao nguyên.

 - Hệ thống Văn hóa Biển: Phân bố ở đồng bằng ven biển và hải đảo suốt từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, gồm 3 giai đoạn: Hình thành (Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn – Bàu Dũ); Phát triển: Hạ Long - Hoa Lộc - Bàu Tró - Xóm Cồn. Giai đoạn thuần thục là các di tích Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh hải đảo từ Cù Lao Chàm - Lý Sơn - Khánh Hòa - Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu tới Kiên Giang.

3.2. Từ giai đoạn hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Kim khí trở về sau, hai hệ thống văn hóa Núi – Biển là hòa nhập vào nhau và lan tỏa tới tất cả mọi miền từ miền núi cao, cao nguyên, đến các hải đảo xa bờ trên biển Đông vừa làm nên tính đa dạng nhưng thống nhất của Văn hóa Việt Nam. Trong cơ cấu của chỉnh thể văn hóa Việt Nam như vậy hệ thống Văn hóa Biển là hệ quả phát triển tất yếu, khách quan của các yếu tố gốc nền Hòa Bình – Bắc Sơn nhưng là hệ thống mở, vừa có vai trò khai triển, vừa thúc đẩy nhịp độ phát triển các yếu tố văn hóa nội địa và lịch sử. Ở góc độ địa – văn hóa – hệ thống Văn hóa Biển Việt Nam cũng là đặc trưng cho một Quốc gia Biển vừa có biển rộng sông dài vừa có núi cao và đồng bằng châu thổ vừa ở vị trí ngã tư đường của các nền văn hóa và văn minh.

 

(Tác giả: Nguyễn Trung Chiến, Nguyễn Khắc Sử)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011)

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8858514
Số người đang online: 23